BIỆN PHÁP GIÚP MỘT TIẾT DẠY ĐẠT HIỆU QUẢ CAO

Tên file: bai-thuyet-trinh-GVDG.doc
Tải về

BIỆN PHÁP GIÚP MỘT TIẾT DẠY ĐẠT HIỆU QUẢ CAO

Một giờ học tốt là một giờ học

Thứ nhất: Phải đạt được mục tiêu bài học. Yêu cầu giáo viên phải bám sát chuẩn kiến thức kĩ năng để thiết kế bài giảng với mục tiêu là đạt các yêu cầu cơ bản và tối thiểu về kiến thức, kĩ năng; đảm bảo không quá tải và không lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa. Mức độ khai thác sâu kiến thức, kĩ năng trong sách giáo khoa phải phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.

Thứ hai: Sáng tạo về phương pháp dạy học, phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác học tập của học sinh. Giáo viên chủ động rèn luyện phương pháp tư duy, năng lực tự học, tự nghiên cứu; tạo niềm vui, hứng khởi, nhu cầu hành động và thái độ tự tin trong học tập của học sinh. Yêu cầu khi thiết kế , tổ chức, hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động học tập phải thể hiện các hình thức đa dạng, phong phú, có sức hấp dẫn phù hợp với đặc trưng bài học, với đặc điểm và trình độ  học sinh, với thời lượng dạy học, điều kiện cụ thể của tứng lớp, trường và địa phương.

Thứ ba: Thể hiện được mối quan hệ tích cực  giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh vối học sinh. Giáo viên cần tiến hành dạy học thông qua việc tổ chức các hoạt động học tập của học sinh, kết hợp giữa học tập cá nhân và học tập hợp tác, làm việc nhóm.

Thứ tư: Chú trọng đến việc rèn luyện các kĩ năng, năng lực hành động, vận dụng kiến thức, tăng cường thực hành và gắn nội dung học với thực tiễn cuộc sống. Hướng dẫn học sinh có thói quen vận dụng kiến thức đã học giải quyết một số vấn đề trong thực tiễn.

Thứ năm: Sử dụng có hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học, quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức có hiệu quả các giờ thực hành.

Thứ sáu: Động viên, khuyến khích kịp thời sự tiến bộ của học sinh; tạo cơ hội cho học sinh tham gia một cách tích cực chủ động, sáng tạo vào quá trình khám phá, phát hiện , đề xuất và chiếm lĩnh kiến thức mới.

Là một giáo viên đứng lớp luôn mong muốn lúc nào tiết dạy của mình đạt được hiệu quả cao, học sinh hiểu bài, tự chiếm lĩnh được kiến thức mới. Thấu hiểu tâm trạng đó nên tôi đã mạnh dạn chọn đề tài “ Biện pháp giúp một tiết dạy đạt hiệu quả” nhằm góp phần đẩy mạnh sự phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng dạy – học.

Mỗi giáo viên muốn làm tốt công tác giảng dạy thì phải vừa là một giáo viên nắm vững kiến thức chuyên môn, vừa phải là một nhà tâm lí giỏi để hiểu học sinh, xử lí tình huống rắc rối sao cho khéo léo, tế nhị và đạt hiệu quả giáo dục cao và đặc biệt là phải tâm huyết với nghề. Giáo viên có tâm huyết với nghề hay không sẽ được thể hiện qua hiệu quả của từng tiết dạy. Như vậy để có được một tiết dạy tốt người giáo viên cần thực hiện các giải pháp sau:

  1. Nắm đối tượng học sinh

           Một công việc không thể thiếu đối với giáo viên đứng lớp là nắm thông tin của học sinh lớp mình giảng dạy. Muốn làm được điều này giáo viên phải thực hiện một cách nghiêm túc, cụ thể khâu bàn giao lớp (càng chi tiết càng tốt). Sau khi thực hiện tốt khâu bàn giao, giáo viên cần tiến hành điều tra để nắm kĩ thông tin của từng học sinh mình phụ trách. (Thông qua phiếu điều tra). Sau đó tiến hành phân loại đối tượng học sinh theo nhóm phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh để từ đó có hình thức tổ chức dạy học và rèn luyện phù hợp với năng lực của từng em nhằm tạo ra các tiết học nhẹ nhàng mà hiệu quả.

  1. Xây dựng nề nếp lớp học.

Nhìn vào một  lớp học muốn biết giáo viên đó có thành công hay không đó chính là nề nếp lớp. Lớp học có nề nếp tốt thì hiệu quả giờ học sẽ đạt cao hơn. Vì thế cần xây dựng nề nếp học tập trong từng tiết học như:

          – Biết lắng nghe, suy nghĩ kĩ với mỗi lời lời yêu cầu, đề nghị của thầy cô

– Hợp tác với thầy cô, bạn bè trong học tập

– Tích cực trong học tập theo khả năng của mình

– Luôn có ý thức, kỷ luật trong học tập.

  1. Xây dựng kế hoạch bài dạy (Giáo án)

Một tiết dạy có thành công hay không là do giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy. Vì thế khi xây dựng kế hoạch bài dạy cần thực hiện các công việc sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu của bài học căn cứ vào chuẩn kiến thức, kĩ năng và yêu cầu về thái độ. Đây là một khâu rất quan trọng, không thể thiếu của mỗi giáo án. Nó giúp giáo viên xác định rõ các nhiệm vụ sẽ phải làm trong tiết dạy

– Bước 2: Nghiên cứu sách giáo khoa và các tài liệu liên quan

Bước này được đặt ra bởi nội dung bài học ngoài phần được trình bày trong sách giáo khoa còn có thể đã được trình bày trong các tài liệu khác. Kinh nghiệm của các giáo viên lâu năm cho thấy: trước hết nên đọc kĩ nội dung bài học và hướng dẫn tìm hiểu bài trong sách giáo khoa để hiểu đúng nội dung bài học rồi mới chọn đọc thêm tư liệu để hiểu sâu, hiểu rộng hơn. Việc đọc sách giao khoa, tài liệu phục vụ cho việc soạn giáo án có thể chia thành 3 cấp độ sau: đọc lướt để tìm nội dung chính xác định những kiến thức, kĩ năng cơ bản, mức độ yêu cầu cần đạt; đọc để tìm những thông tin quan tâm: các mạch, sự bố cục, trình bày các mạch kiến thức, kĩ năng và dụng ý của tác giả; đọc để phát hiện và phân tích, đánh giá các chi tiết trong từng mạch kiến thức, kĩ năng .

Thực ra khâu khó nhất trong đọc sách giáo khoa và các tư liệu là đúc kết được phạm vi, mức độ kiến thức, kĩ năng của từng bài học sao cho phù hợp với năng lực của học sinh và điều kiện dạy học. Trong thực tế dạy học, nhiều khi chúng ta thường đi chưa tới hoặc đi quá những yêu cầu cần đạt về kiến thức, kĩ năng. Nếu nắm vững nội dung bài học, giáo viên sẽ phát họa những nội dung và trình tự nội dung của bài giảng phù hợp, thậm chí có thể cải tiến cách trình bày các mạch kiến thức, kĩ năng của sách giáo khoa, xây dựng một hệ thống câu hỏi, bài tập giúp học sinh nhận thức, khám phá, vận dụng các kiến thức, kĩ năng trong bài một cách thích hợp.

– Bước 3: Xác định khả năng đáp ứng các nhiệm vụ nhận thức của học sinh (theo đối tượng học sinh), gồm: xác định những kiến thức, kĩ năng mà học sinh đã có và cần có; dự kiến những khó khăn, những tình huống có thể nảy sinh và các phương án giải quyết.

Bước này được đặt ra bởi trong giờ học theo định hướng đổi mới  phương pháp dạy học, giáo viên không những phải nắm vững nội dung bài học mà còn phải hiểu học sinh để lựa chọn phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, các hình thức tổ chức dạy học và đánh giá cho phù hợp. Như vậy, trước khi soạn giáo án cho giờ học mới, giáo viên phải lường trước các tình huống, các cách giải quyết nhiệm vụ học tập của học sinh. Nói cách khác, tính khả thi của giáo án phụ thuộc vào trình độ, năng lực học tập của học sinh, được xuất phát từ : những kiến thức, kĩ năng mà học sinh đã có một cách chắc chắn, vững bền; những kiến thức, kĩ năng mà học sinh chưa có hoặc có thể quên; những khó khăn có thể nảy sinh trong quá trình học tập. Bước này chỉ là sự dự kiến; nhưng trong thực tiễn, có nhiều giờ học do không dự kiến trước, giáo viên đã lúng túng trước những ý kiến không đồng nhất của học sinh với những biểu hiện rất đa dạng. Do vậy, dù mất công nhưng mỗi giáo viên nên dành thời gian để xem sự chuẩn bị của học sinh trước giờ học kết hợp với kiểm tra đánh giá thường xuyên để có thể dự kiến trước khả năng đáp ứng các nhiệm vụ nhận thức cũng như phát huy tích cực vốn kiến thức, kĩ năng đã có của các em.

– Bước 4: Lựa chọn phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, đồ dùng dạy học, hình thức tổ chức dạy học và cách thức đánh giá thích hợp nhằm giúp học sinh học tập tích cực, chủ động, sáng tạo.

– Bước 5: Tiến hành thiết kế: Đây là bước người giáo viên bắt tay vào việc xây dựng kế hoạch dạy học (soạn giáo án). Trong thực tế nhiều giáo viên xây dựng kế hoạch thường chỉ đọc sách giáo khoa, sách giáo viên rồi bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch theo hướng dẫn của sách giáo viên. Làm như thế thì sẽ không đạt được hiệu quả cao. Muốn thực hiện được 1 thiết kế đầy dủ đạt hiệu quả thì phải thực hiện tốt các bước 1,2,3,4 rồi tiết hành thiết kế, và lưu ý một số vấn đề sau:

. Thứ nhất: Khi kiểm tra bài cũ giáo viên nên đặt ra nhiều câu hỏi nhỏ, hay những hình ảnh minh họa với nhiều hình thức khác nhau, qua đó thu hút nhiều học sinh tham gia trực tiếp vào quá trình tái hiện kiến thức. Các kiến thức đó là các kiến thức cần thiết và là nền tảng để tiếp thu kiến thức mới.

.Thứ hai: các hoạt động cần lấy học sinh làm trung tâm, để học sinh hoạt động và tư duy nhiều hơn sẽ khiến tiết học của giáo viên đạt được hiệu quả cao hơn.

.Thứ ba: Nên có những câu hỏi mở đặt ra để kích thích sự tò mò khám phá của học sinh. Tránh các hình thức vấn đáp đơn thuần, nên sử dụng 1 số hình thức mới nhằm phát huy tính tức cực của người học. Tức là chuẩn bị câu hỏi  sao cho có sự hợp tác, giao lưu hai chiều giữa thầy và trò.

. Thứ tư: Cần thay đổi các hình thức học tập giữa các hoạt động như xây dựng các câu chuyện, thiết kế các trò chơi, thi đua,… giúp các em hứng thú học tập

  1. Thể hiện tiết dạy của giáo viên:

          Đây là bước thể hiện khả năng của từng giáo viên: là nghệ thuật dạy học của từng cá nhân thể hiện qua cử chỉ, thái độ, giọng nói, điệu bộ mà có sự thu hút học sinh cũng như hiệu quả tiết dạy cao hay thấp tuỳ thuộc ở mỗi giáo viên. Chính vì vậy, khi lên lớp cần chú ý:

          Cần phải biết điều chỉnh và phân phối thời gian hợp lí ở các hoạt động một cách phù hợp để không bị “cháy” hoặc “ướt” giáo án. Muốn vậy giáo viên phải dự kiến cụ thể thời gian cụ thể của từng hoạt động.

          Không tạo áp lực cho học sinh. Nếu học sinh trả lời câu hỏi chưa hoàn thiện, giáo viên nên gợi mở cho các em. Giáo viên không được nóng vội, cáu gắt, không nên chữa lỗi quá nhiều, tránh ảnh hưởng đến tâm trạng chán nản, sợ sệt của học sinh. Để làm tốt đều này giáo viên khi giao việc cần chú ý theo đối tượng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

          Một kĩ năng nhỏ nhưng rất đáng chú ý là giáo viên phải nhớ được tên của học sinh, có như thế các em cảm thấy được quan tâm hơn, hứng thú học tập hơn.

          Giáo viên nên có những lời khen ngợi, động viên kịp thời đối với học sinh vì đó chính là liều thuốc hữu hiệu giúp các em phấn khởi trong học tập.

          Tâm thế giáo viên phải thoải mái, không gò bó, gượng ép mà cần phải hòa mình vào tiết dạy, sẵn sàng truyền kiến thức cho các em. Có như thế tiết dạy sẽ sinh động, hay hơn.

          Giáo viên cần thay đổi “khẩu vị” khi dạy. Giáo viên không thể cứ dập khuôn theo kiểu máy móc theo 1 kiểu mà cần luôn luôn thay đổi.

.Với các giải pháp trên trong những năm qua tôi rất thành công trong công tác giảng dạy của mình. Học sinh lớp tôi rất tích cực trong học tập, chất lượng giờ dạy ngày một đi lên, đáp ứng lòng mong mỏi của chuyên môn, của phụ huynh học sinh. Tôi hi vọng với giải pháp trên sẽ giúp ích nhiều cho đồng nghiệp trong sự nghiệp giảng dạy của mình, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

3 thoughts on “BIỆN PHÁP GIÚP MỘT TIẾT DẠY ĐẠT HIỆU QUẢ CAO

Đã khóa bình luận